Các loại thuế hộ kinh doanh phải nộp

Các loại thuế hộ kinh doanh phải nộp sau khi đăng ký chứng nhận đăng ký kinh doanh, mức thuế cách tính thuế, cũng như đăng ký phương pháp thuế như thế nào cho phù hợp với mô hình kinh doanh, sau đây cùng dịch vụ đăng ký kinh doanh Quảng Ngãi tìm hiểu qua bài viết bên dưới.

Hộ kinh doanh là gì?

“Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ”.

Các loại thuế mà hộ kinh doanh phải nộp

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì hộ kinh doanh cá thể phải nộp các loại thuế sau đây:

– Thuế thu nhập cá nhân (thuế TNCN);

– Thuế giá trị gia tăng (thuế GTGT).

Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, hộ kinh doanh cá thể còn phải nộp lệ phí môn bài theo quy định.

Mức thuế môn bài hộ kinh doanh ?

  • Hộ kinh doanh sản xuất muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá; hộ kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống và thành lập sau ngày 25/02/2020 được miễn lệ phí môn bài năm đầu thành lập;
  • Doanh thu trên 100 triệu đến 300 triệu đồng/ năm đóng 300.000 đồng/năm;
  • Doanh thu trên 300 triệu đến 500 triệu đồng/ năm đóng 500.000 đồng/năm;
  • Doanh thu trên 500 triệu đồng/ năm đóng 1.000.000 đồng/năm.

Chọn phương pháp thuế cho hộ kinh doanh

Hiện nay, có phương pháp tính thuế hộ kinh doanh cá thể, cụ thể như sau:

– Phương pháp tính thuế đối với hộ kinh doanh cá thể nộp thuế theo phương pháp kê khai được thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư 40/2021/TT-BTC.

– Phương pháp tính thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh được thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư 40/2021/TT-BTC.

– Phương pháp tính thuế đối với hộ kinh doanh cá thể nộp thuế theo phương pháp khoán được thực hiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư 40/2021/TT-BTC.

– Phương pháp tính thuế đối với trường hợp tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân được thực hiện theo quy định tại Điều 8 Thông tư 40/2021/TT-BTC.

– Phương pháp tính thuế đối với một số trường hợp đặc thù được thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư 40/2021/TT-BTC.

Cách tính thuế hộ kinh doanh

Căn cứ tính thuế đối với hộ kinh doanh cá thể là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu. Số thuế GTGT phải nộp và số thuế TNCN phải nộp được tính theo công thức sau đây:
Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT
Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN
Trong đó:
– Doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN đối với hộ kinh doanh cá thể là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền; các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội, phí thu thêm được hưởng theo quy định; các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác (chỉ tính vào doanh thu tính thuế TNCN); doanh thu khác mà hộ kinh doanh cá thể được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
– Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu gồm tỷ lệ thuế GTGT và tỷ lệ thuế TNCN áp dụng chi tiết đối với từng lĩnh vực, ngành nghề theo hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC.
Trường hợp hộ kinh doanh cá thể hoạt động nhiều lĩnh vực, ngành nghề thì hộ kinh doanh cá thể thực hiện khai và tính thuế theo tỷ lệ thuế tính trên doanh thu áp dụng đối với từng lĩnh vực, ngành nghề. Trường hợp hộ kinh doanh cá thể không xác định được doanh thu tính thuế của từng lĩnh vực, ngành nghề hoặc xác định không phù hợp với thực tế kinh doanh thì cơ quan thuế thực hiện ấn định doanh thu tính thuế của từng lĩnh vực, ngành nghề theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Quy định pháp luật về hóa đơn điện tử của hộ kinh doanh

Theo Nghị định 123-2020-NĐ-CP và Thông tư 78-2021-TT-BTC, từ ngày 01/07/2022, các cơ sở kinh doanh nói chung và hộ kinh doanh bắt buộc phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử.

Trường hợp hộ kinh doanh bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử

Điều 6 Thông tư 78-2021-TT-BTC quy định 3 trường hợp hộ kinh doanh bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử bao gồm:

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai phải sử dụng hóa đơn điện tử.

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán nếu có yêu cầu sử dụng hóa đơn thì cơ quan thuế cấp lẻ hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh.

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh khai thuế theo từng lần phát sinh nếu có yêu cầu sử dụng hóa đơn thì cơ quan thuế cấp lẻ hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh.

Trường hợp hộ kinh doanh chưa bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử

Hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn được sử dụng hóa đơn giấy của cơ quan Thuế trong thời gian tối đa 12 tháng khi:

  • Không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử.
  • Không có hạ tầng công nghệ thông tin.
  • Không có hệ thống phần mềm kế toán.
  • Không có phần mềm lập hóa đơn điện tử để sử dụng hóa đơn điện tử và để truyền dữ liệu điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế.